TuPhung.Com - Trang thông tin Dạy học và Phát triển nhà trườnghttps://tuphung.com/uploads/logo.png
Thứ năm - 01/03/2018 16:39
Trong chương trình môn Toán mới phổ thông, giáo viên sẽ lúng túng trong khâu đánh giá năng lực học sinh khi triển khai chương trình?
Thời của tôi ngày xưa (những năm 80, 90) đi học thì sách giáo khoa còn chưa đủ chứ nói gì đến sách tham khảo và sách nâng cao. Học sinh trước đây đa số học tập trung lắm, không chăm chú cũng không được vì sẽ ít mà gần như là không có cơ hội để đọc được tài liệu để nắm được kiến thức cũ. Tôi còn nhớ ông thầy dạy ôn thi đại học có bộ tài liệu viết tay mà phải khó khăn lắm thì tôi mới có thể mượn lại được (qua mấy đề tử chân truyền của thầy) để đi phô tô, coi như của quý. Đề thi khối A Toán – Lý – Hóa thì có 1 bộ Toán 150 đề, Lý 100 đề, Hóa 50 đề, thằng nào mà cày được hết số đề đó thì chắc chắn đỗ đại học. Kiến thức của đề thì rất mẹo mực, mang tính đánh đố. Đó là giai đoạn mục tiêu của giáo dục tập trung vào nội dung, giáo viên trên lớp dạy học chủ yếu là truyền thụ kiến thức từ sách giáo khoa cho học trò. Học sinh giỏi đa số là luyện được kỹ năng giải bài tập, giải được càng nhiều dạng bài, nhiều bài thì được coi là giỏi; nhiều bài tập mang tính mẹo mực, đánh đố học sinh nên học sinh cũng phải chăm mới có thể khá lên được. Khi đó vì nghèo mà ít học thêm chứ nếu có tiền thì dạy như thế không đi học thêm hơi lạ. Học sinh học để thi, học để vượt qua thành tích của chính mình thông qua điểm số. Áp dụng và thực tế thì chả biết gì, học để làm cán bộ là tư tưởng xuyên suốt. Giáo viên dạy cũng là để cho học sinh học đi thi, hầu như chưa quan tâm học để làm gì? Mà nếu có hỏi giáo viên câu hỏi “học để làm gì? Tại sao phải học?” thì giáo viên cũng “ắng cổ”, chẳng biết trả lời thế nào ấy chứ nói gì đến học sinh, đặc biệt là đối với môn Toán thì áp dụng vào đâu.
Ngày nay, với CNTT bùng nổ, với kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0 với Big data, với internet kết nối vạn vận, với “cái gì không biết thì tra google”,… tài liệu vô vàn trên internet, cần kiến thức gì sợt (search) 1 cái là thấy ngay. Thậm chí những câu dạng như “hôm nay ăn gì? Đi đâu” search cũng thấy, lúc nào facebook cũng hỏi “Bạn đang nghĩ gì?” những ngày đáng nhớ được nhắc nhở miễn phí, sáng ra cầm điện thoại đã được nhắc nhở “Hôm nay Hạ Long có mưa, Tú ra đường đừng để bị ướt”,… Mọi thứ được cung cấp đến tận nơi, đôi khi thừa so với nhu cầu của con người. Kể cả việc học hành cũng vậy, rất nhiều kiến thức được cung cấp đến bội thực, học sinh thì chả biết để làm gì (vì có hiểu nó đâu, và cần thì lấy có ngay). Vậy vai trò của người thầy trên lớp có phải là truyền tải những kiến thức được in trong sách giáo khoa kia không? Lớp học chỉ giới hạn bởi bốn bức tường kia à? Học sinh có bắt buộc phải học Toán của thầy Tú hay không? hay có thể học của bất kỳ ai có kiến thức về Toán học mà người ta có thể dạy. Câu trả lời là không! Học sinh có thể học của bất kỳ ai, nhiều anh chị chưa tốt nghiệp sư phạm, cũng chẳng cần có trường lớp (CSVC cho 1 trường học) nhưng vẫn có đầy học sinh học, tiền thu cũng rủng rỉnh hơn giáo viên hiện tại đợi lương tháng. Vậy nên giáo viên chúng ta đừng cứ làm theo cách cũ, đừng chỉ truyền tải những cái có sẵn trong sách giáo khoa tới học sinh, cái đó học sinh không cần, các em có thể tự đọc nếu các em thấy cần (khi có động cơ từ bên trong), các em có thể search đươc chính xác 1 bài viết văn, đáp án cho 1 câu hỏi của bài tập SGK trên mạng, vì vậy hãy dạy học sinh cách tư duy, cách tìm và khám phá các kiến thức, qua đó các em lĩnh hội được kiến thức cần cho mình.
Quan điểm dạy học mới là để học sinh tự kiến tạo kiến thức, các em chủ động lĩnh hội tri thức theo cách riêng của mỗi em. Đảm bảo kiến thức được áp dụng vào thực tiễn của cuộc sống. Giáo viên chúng ta có làm được điều đó không? Câu trả lời chắc chắn là có, vì nếu không “Có” thì thầy cô cũng sẽ bị đẩy ra khỏi guồng, khỏi nghề hoặc làm những việc qua các tiết dạy tẻ nhạt để nhận lương “còm” hàng tháng. Nhưng để làm được việc dẫn dắt học sinh trong tiếp cận và chủ động lĩnh hội kiến thức thì giáo viên phải biết các phương pháp dạy học mới, các kỹ thuật dạy học tích cực để có thể vận dụng vào công việc của mình hàng ngày, để có thể linh hoạt, sáng tạo trong việc kết hợp những kỹ thuật, phương pháp đó với nhau một cách hiệu quả nhất; phải có kỹ năng và kiến thức về CNTT,... Trong clip này chúng ta thấy các thầy cô và học sinh của trường liên cấp AlphaSchool họ học thật khác. Các bạn giáo viên của tôi ơi, chúng ta cần phải HỌC HỌC HỌC VÀ HỌC NHANH CÒN KỊP. Học từ sách vở, học từ đồng nghiệp, học từ chính các học trò của mình. Đừng mang kiến thức 10 năm về trước mà ngầm vỗ ngực tự hào về nó. Các thầy cô nên quan tâm các khóa học của chương trình DẠY HỌC TÍCH CỰC (dayhoctichcuc.com), các khóa trao đổi trên DIỄN ĐÀN SANG TẠO VIỆT NAM (https://www.facebook.com/groups/pbl.vn), tham gia các dự án như WE LOVE READING (thời gian gần đây VTV giới thiệu liên tục, https://www.facebook.com/WeLoveReading.Vietnam/) , Ứng dụng CNTT vào dạy học (https://www.facebook.com/udcnttdayhoc/) Ngoài ra còn có rất nhiều khóa học khác về Kỹ năng sống và phát triển bản thân mà các thầy cô nên học. Thời gian ai cũng có như ai, có người đi học được có người không? Đó chỉ là cách họ sắp xếp công việc tốt hơn, tài chính có kế hoạch hơn chúng ta mà thôi.
Trong đợt thi GVDG tỉnh Quảng Ninh năm 2018 đã có nhiều thầy cô có những tiết dạy thành công, gây hứng thú và hiệu quả tuyệt vời đối với học sinh. Tôi học được 10 tâm thức và 10 phương pháp trong khóa học SpeedUp mà tôi muốn trích 1 /20 trong đó ra để nói: Các thầy cô muốn có được sự thành công trong nghề thì các thầy cô hãy phấn đấu để trờ thành CHUYÊN GIA trong lĩnh vực của mình. Thầy cô đã biết cách chưa?
Tú Phùng - Tản mạn Đêm mất ngủ vì đau chân.
Tác giả: Tú Phùng
Nguồn tin: tuphung.com
Chú ý: Bài viết trên trang phản ánh quan điểm của cá nhân tôi hoặc của tác giả bài viết gửi bài cho trang web này. Bài đăng không đại diện cho tổ chức chính trị hoặc bất kỳ đơn vị nào. Bạn đọc có góp ý hãy bình luận ở dưới hoặc gửi email trong phần liên hệ.
Bài đăng lại từ trang của tôi mà không trích nguồn http://tuphung.com là vi phạm bản quyền.