Tất nhiên, cũng có nhiều dư địa để cải tiến. Ví dụ: các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự khác biệt về tỷ lệ đình chỉ và buộc thôi học giữa các cậu bé da màu và da trắng phụ thuộc nhiều vào định kiến của người lớn về chúng, hơn là phụ thuộc vào hành vi của chính tụi trẻ.
Và tất nhiên nữa, có những vấn đề chúng ta tưởng chừng như hiển nhiên, thậm chí nhiều người sẽ tự nhủ "Thế mà cũng phải nghiên cứu à?". Thế nhưng, tự nhủ như vậy hay không là chuyện của quý vị, và nghiên cứu là chuyện của các nhà nghiên cứu.
Trong năm vừa qua, các nghiên cứu mới cũng tinh chỉnh sự hiểu biết của chúng ta về nhiều chủ đề vốn đã rất phổ biến, ví dụ như: Các phong cách học tập (Learning styles); Tư duy cầu tiến (Growth mindset), và thực nghiệm kinh điển "Marshmallow test - Thí nghiệm kẹo dẻo".
Mặc dù vậy, sợi dây xuyên suốt các nghiên cứu này là: Làm thế nào để cải thiện quá trình học, bởi chỉ tập trung vào học thuật thôi là không đủ? Chúng ta nên suy nghĩ về việc không chỉ học sinh, mà cả giáo viên cần phải được hỗ trợ đến mức nào?
Những thay đổi dù rất nhỏ trong lớp học lại có thể đem đến lợi ích đáng ngạc nhiên. Nghiên cứu của Cook và cộng sự [1] chỉ ra rằng việc chào đón học sinh ở cửa lớp đem lại cả lợi ích về mặt tâm lý và học thuật: Tỷ lệ gắn kết của học sinh tăng 20%, trong khi các hành phi quấy phá giảm 9%, lợi ích cho kết quả học tập được cho rằng tương đương với việc có thêm một tiếng học mỗi ngày tại trường.
Điều gì diễn ra trong bộ não của người học?
Năm qua đánh dấu nhiều đột phá đáng kể đối với Khoa học của sự học (Science of Learning), chủ yếu thông qua các công nghệ chụp chiếu thời gian thực, đem lại bức tranh thực tế về những gì xảy ra trong não bộ tại chính thời điểm mà trẻ đang học tập.
Ví dụ, Smith và cộng sự [4] (**) đã sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI-Functional magnetic resonance imaging) để nghiên cứu các vùng hoạt động của não khi trẻ thực thi các kỹ năng đọc. Kết quả chỉ ra rằng ở những đứa trẻ có các kỹ năng đọc tốt nhất, có nhiều tương tác giữa các vùng khác nhau của não hơn là những đứa trẻ có kỹ năng đọc yếu. Điều này cho thấy, hoạt động đọc là một hoạt động liên vùng, huy động sự hoạt động của toàn thể não bộ, thay vì chỉ tác động tới một vùng nhất định. Từ đó, nghiên cứu cũng cho thấy rằng, kỹ năng đọc có thể được phát triển dựa trên nhiều hoạt động đa nhiệm khác như đọc to thành tiếng, hoặc lắng nghe người khác đọc và nhìn vào từng từ trên trang giấy.
Tưởng vậy mà không phải vậy - Nhìn nhận lại những chủ đề tưởng chừng đã quá quen
Các nghiên cứu mới trong năm qua đã gợi nhiều câu hỏi cho các khám phá trước đó, chủ yếu trong ba lĩnh vực: Các phong cách học tập; Tư duy cầu tiến; và Thí nghiệm của Mischel về sự tự kiểm soát bản thân (thường được biết đến với tên gọi Thí nghiệm kẹo dẻo - Marshmallow test).
Về chủ đề "Các phong cách học tập", Husmann và O'Loughlin [6] đã chỉ ra rằng, chẳng hề có lợi ích gì để kết nối phong cách thu nhận kiến thức của trẻ (ví dụ như học qua hình ảnh, học qua ngôn ngữ…) tới cách mà trẻ thụ đắc được một khái niệm cụ thể. Thay vào đó, giáo viên nên tập trung các các chiến lược tried-and-true (liên tục thử và tìm ra cái phù hợp), ví dụ như kết hợp cả văn bản và hình ảnh, điều này hiệu quả vượt trội so với việc chỉ trình bày đơn tuyến (kể cả chỉ vẽ sơ đồ tư duy).
Với chủ đề nóng bỏng: Growth mindset, Sisk và cộng sự [7] đã tiến hành một phân tích tổng hợp (meta-analysis) trên diện rộng, xem xét 150 công trình nghiên cứu xoay quanh ý tưởng của Carol Dweck "Niềm tin của học sinh về một loại hình trí thông minh (một tư duy cố định hoặc một tư duy cầu tiến) có thể định hình thành quả học tập của họ." Phân tích tổng hợp chỉ ra rằng, sự can thiệp của "tư duy cầu tiến" có những hiệu ứng yếu ớt đối với thành tích học tập của học sinh. Tuy nhiên, với đối tượng học sinh nghèo và học sinh học yếu kém, những thành quả thu nhận được là đáng kể. Điều đó có nghĩa rằng, "Tư duy cầu tiến" là có ích đối với những ai thực sự cần nó.
Trong hàng chục năm qua, thí nghiệm của Walter Mischel [8] (về việc sử dụng khả năng tự kiềm chế bản thân của trẻ nhỏ để tiên đoán khả năng thành công của chúng khi trưởng thành) đã giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của các kỹ năng phi nhận thức (noncognitive skills). Thế nhưng mới đây, Watts và cộng sự [9] đã tìm thấy một lỗ hổng lớn trong thí nghiệm ban đầu của Mischel: Phần lớn trẻ em tham gia đến từ các gia đình giàu có, và chúng có khả năng chống lại sức hấp dẫn của kẹo dẻo không phải vì chúng có khả năng tự kiểm soát, mà vì chúng đã từng sống trong những không gian đầy ắp kẹo dẻo. Vậy nên, chúng ta cần thận trọng hơn nữa khi sử dụng thí nghiệm này để minh hoạ hay dẫn dắt các câu chuyện.
Hồi tháng 11, trong một nghiên cứu công bố trên một tạp chí có tên rất hay - Journal of Memory (ấn bản bởi Taylor & Francis, impact factor 1.873) Cyr và Anderson [10] đã cho thấy, việc cố gắng đoán câu trả lời và nhận được phản hồi về "mức độ gần đúng" của câu trả lời sẽ dẫn đến tỷ lệ ghi nhớ kiến thức cao hơn so với việc chỉ đơn thuần học thuộc lòng thông tin. Hai nhà nghiên cứu Canada đã tiến hành thực nghiệm về việc ghi nhớ thông tin. Khi cố gắng ghi nhớ danh sách các từ, những người tham gia nghiên cứu đã rất cố gắng và nhớ được hơn một nửa số từ. Tuy nhiên khi họ tiếp cận với phương pháp thử sai (trial-and-error) và phán đoán, nhận phản hồi về phỏng đoán của mình và đoán lại, họ đã nhớ được 8/10 từ.
Những điều cần lưu ý về hành vi của nhà giáo
Tình trạng chung tại nhiều quốc gia, không loại trừ Mỹ. Hàng thập kỷ lương thấp và sĩ số đông đã ảnh hưởng đến cả sức khoẻ và sự hài lòng về công việc của giáo viên. Nghiên cứu thực chứng của Herman và cộng sự [12] về "Sự căng thẳng của giáo viên, sự kiệt sức, hiệu quả của bản thân, và kết quả đầu ra của học sinh" đã chỉ ra rằng 93% giáo viên tiểu học tại xứ cờ hoa trải qua mức độ căng thẳng cao. Ngoài những giờ làm việc dài và khối lượng nặng nhọc, các báo cáo còn chỉ ra rằng giáo viên cảm thấy kiệt quệ về cảm xúc, mà nguyên do chính là sự cộng dồn ba thành tố:
(i) cố gắng quản lý nhu cầu về cảm xúc của học sinh,
(ii) áp lực của việc phải gia tăng kết quả học tập của học sinh,
(iii) không có nguồn lực để giải quyết hai vấn đề kể trên.
Tầm quan trọng của việc tập trung cải thiện hành vi
Túm lại, nếu quý vị thấy những chuyện như trên là hiển nhiên, thì năm rồi cũng chẳng khác mấy năm xưa. Còn nếu bạn thấy những chuyện trên là không hiển nhiên, chắc hẳn quý vị đã nhìn ra nhiều điều cần phải làm trong năm 2019, cũng như trong nhiều năm nữa.
Thân ái và quyết thắng,
Chú thích: Nội dung trong bài này được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nhiều nhất là từ Edutopia. Edutopia là blog giáo dục uy tín, với sự tham gia của các tình nguyện viên trên toàn thế giới. "Dạy & Học" hân hạnh được Edutopia cho phép chuyển ngữ toàn bộ các nội dung trên Edutopia sang tiếng Việt. Các nguồn tham khảo đã có đường dẫn ngay trong bài viết.
Tác giả: Hoàng Anh Đức
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn