Các phương pháp trắc nghiệm chọn nghề mà bạn nên biết

Thứ sáu - 06/10/2017 03:18
Bản thân chúng ta bao giờ cũng có những điểm mạnh, điểm yếu. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhìn ra hết những điểm đó. Để lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, các học sinh THPT và đặc biệt là lớp 12 cần khám phá bản thân để có lựa chọn phù hợp.

Tính cách là cách thức suy nghĩ, hành vi của con người trong các mối giao tiếp xã hội và với bản thân. Tính cách bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tổ chủ yếu sau đây:

Di truyền: Di truyền giữ một phần quan trọng trong việc xác định tính cách của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nếu tính cách được hình thành hoàn toàn do di truyền thì nó sẽ không thay đổi từ khi mới sinh ra. Trên thực tế, tính cách còn chịu tác động của những yếu tố khác liên quan đến môi trường và ngữ cảnh.

Môi trường: Những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng và góp phần hình thành nên tính cách của mỗi cá nhân. Đó là nền văn hóa mà mỗi cá nhân sống, lớn lên cũng như các chuẩn mực gia đình, bạn bè, cộng đồng và những yếu tố ảnh hưởng khác mà chúng ta trải qua.

Ngữ cảnh: Tính cách con người cho dù có ổn định và chắc chắn nhưng nó vẫn thay đổi theo các tình huống khác nhau. Ví dụ, khi cá nhân tham gia vào một hoạt động có tính công việc nghiêm túc và khi cá nhân tham gia vào một hoạt động mang tính giải trí cao thì hành vi của cá nhân đó có thể hoàn toàn trái ngược nhau nhằm phù hợp với từng ngữ cảnh – môi trường đặc thù.

Tại sao nên trắc nghiệm tính cách bản thân?

Muốn lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với tính cách

Mỗi nghề nghiệp đều đòi hỏi người làm nghề phải có những tính cách nhất định. Nếu bạn có tính cách không phù hợp với nghề nghiệp thì sẽ dẫn tới bạn rất khó thành công và thậm chí gặp những cú sốc về tâm lý khi thực hiện các công việc. Nhiều bạn đã phải chuyển nghề nghiệp nhiều lần và điều này thực sự làm lãng phí thời gian, sức lực của các bạn. Hãy khám phá bản thân mình để không chọn nhầm nghề nghiệp cho mình.

Các bạn có thể tham khảo từ những nghiên cứu được tổng kết dưới đây.

Cac phuong phap trac nghiem tinh cach de chon nghe nghiep


 

Cac phuong phap trac nghiem tinh cach de chon nghe nghiep
Cac phuong phap trac nghiem tinh cach de chon nghe nghiep

Cần tìm sự đánh giá khách quan

Một số bạn nghĩ: Chẳng ai hiểu mình bằng ta (!). Nhưng thực tế, chúng ta thường ít khi nhìn nhận được toàn diện về mình và đôi khi chúng ta thường hay có khuynh hướng tự đánh giá mình trên những gì mình muốn chứ không phải dựa trên những gì mình đang sống và làm. Chính điều này đã làm cho kết quả bị sai lệch và từ đó ảnh hưởng đến rất nhiều về việc định hướng của chúng ta.

Thông thường, chúng ta cũng có thể nhận diện dần ra tính cách của mình thông qua một số kênh, chẳng hạn để ý lời khen hay chê của người khác đối với mình:

- Bạn thật dũng cảm làm sao!

- Tôi ước gì mình cũng rộng lượng như bạn!

- Sao mà bạn keo kiệt thế?

- Bạn thật là lộng ngôn!

...

Tất nhiên những lời trên chưa hẳn đã đúng, bởi đôi khi có người khen bạn quá lên hoặc có người chê bạn lại quá cường điệu.

Những phương pháp trắc nghiệm tính cách

1. MBTI

Hệ thống trắc nghiệm tính cách MBTI (Myers – Briggs Type Indicator) được phát triển gần 60 năm trước đây bởi Katharine Cook Briggs và con gái của bà – Isabel Briggs Myers. Cùng với sự hợp tác đắc lực của nhà tâm lý học nổi tiếng người Thuỵ Sỹ, Carl G. Jung.

MBTI ban đầu được tạo dựng để mọi người có thể đưa ra những quyết định lựa chọn nghề nghiệp thông minh và giúp đỡ mọi người hiểu được sự khác biệt của các dạng tính cách thông thường. Sau nhiều năm được nghiên cứu và phát triển thêm, MBTI được xem là công cụ phân loại tính cách chính xác nhất và được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.

Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý những khuyến cao khi làm bất cứ bài trắc nghiệm tính cách nào mà bạn gặp:

- Đây là những câu trắc nghiệm tâm lý vì vậy nó phụ thuộc khá nhiều vào tâm trạng hiện tại của bạn, nếu bạn đang quá vui, buồn, căng thẳng, phấn khích hay đang trong quá trình thay đổi tính cách thì không nên làm. Hãy làm bài khi tâm trạng bình thường nhất.
- Phải trung thực và suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời, không nên chọn theo lý tưởng hay vì tác động của mọi người xung quanh. 
- Tính cách khó thay đổi, nhưng nếu quyết tâm bạn vẫn có thể cải thiện được, vì vậy hãy trung thực khi làm bài để biết được điểm mạnh và yếu của bạn. Nếu có thời gian thì sau vài ngày bạn nên làm lại bài trắc nghiệm một lần để có kết quả chính xác nhất. 

Bạn có thể làm ngay bài trắc nghiệm tính cách MBTI tại đây để biết kết quả.

2. DISC

DISC là bài Test/trắc nghiệm qua đó để người phỏng vấn nhận biết được ứng viên thuộc nhóm người nào.

Lý thuyết DISC đã bắt đầu được phát triển từ năm 1928, khi tiến sĩ William Moulton Marston mô tả về lý thuyết này trong cuốn “Emotions of Normal People” (tạm dịch: Cảm xúc người thường). Các cách phân loại tính cách theo DISC mà các đánh giá hiện nay áp dụng đều xuất phát từ nghiên cứu của tiến sĩ Marston.

Theo lý thuyết DISC của Marston, hành vi của con người có thể được phân thành 4 kiểu:

- Dominance (D) – tạm dịch là “Xông xáo”: những người thuộc nhóm này thường quyết đoán, mạnh mẽ, tự tin, nhanh nhẹn, năng nổ, tập trung, cạnh tranh, hướng đến kết quả.

- Inducement hoặc Influence (I) – tạm dịch là “Nhiệt tình”: nhóm I bao gồm những cá nhân hòa đồng, thích xã giao, cởi mở, nhiệt tình, có khả năng thuyết phục.

- Steadiness (S) – tạm dịch là “Điềm đạm”: người thuộc kiểu S có tính cách ổn định, điềm tĩnh, hòa nhã, biết lắng nghe, tận tâm và thận trọng.

- Compliance hoặc Cautiousness hay Conscientiousness (C) – tạm dịch là “Chuẩn mực”: ở nhóm I là những người có trách nhiệm, rõ ràng, logic, có kỷ luật, chính xác và nghiêm túc.

Tùy theo nhóm tính cách mà nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn có phù hợp với vị trí hiện tại hay không?

Nào.. bạn có thê làm ngay theo các bước:

Bước 1: Hãy có cho mình bảng dưới đây

Bang trac nghiem tinh cach theo DISC

Bảng trắc nghiệm tính cách theo DISC

Bước 2: Mở bảng trên ra và đánh dấu (bằng cách nào đó tuỳ bạn, trên máy tính hoặc trên giấy) các từ miêu tả tính cách của bạn trong công việc bằng màu xanh. Tương tự như thế, đánh dấu màu đen vào các từ miêu tả tính cách của bạn khi ở nhà. Bạn có thể bỏ trống ở những từ không phù hợp hoặc không mô tả tính cách của bạn.

Chẳng hạn, đây là một bảng do một bạn đánh dấu như một thí dụ cụ thể:

Mot thi du khi trac nghiem tinh cach DISC

Một thí dụ khi trắc nghiệm tính cách DISC

Bước 3: Nào, bây giờ với mỗi cột dọc bạn hãy đếm số lượng của 2 loại, các chấm màu xanh và các chấm màu đen. Rồi cộng số tổng của cả hai loại chấm. Viết nó vào một mảnh giấy hoặc gõ vào Notepad.


Theo như hình ở ví dụ bên trên, thì ta có: Cột 1: Xanh = 8, Đen = 6, Tổng = 14; Cột 2: Xanh = 5, Đen = 6, Tổng = 11; Cột 3: Xanh = 7, Đen = 7, Tổng = 14; Cột 4: Xanh = 3, Đen = 4, Tổng = 7.

Bước 4: Bạn sẽ căn cứ vào số điểm của từng cột và so với đáp án sau:

Điểm số của cột đầu tiên thể hiện cho mức độ kiểm soát, quyền lực của bạn.
Điểm số của cột thứ hai thể hiện cho mức độ về khả năng thuyết phục, gây ảnh hưởng.
Điểm số của cột thứ ba thể hiện cho mức độ ổn định, sự trầm tĩnh của bạn.
Điểm số của cột thứ tư thể hiện cho mức độ tuân thủ, tính hệ thống của bạn.

Theo như hình minh họa chúng ta có điểm số 14 cho mỗi cột 1 và cột 3. Điều này có nghĩa rằng chủ nhân của bài trắc nghiệm mang tính cách chủ yếu là ổn định và thích kiểm soát.

Bạn cũng có thể so sánh tính cách cá nhân của bạn ở nhà và tại nơi làm việc, bằng cách so sánh số điểm được phân bổ cho màu xanh và đen. Như ví dụ trên, đây là người sẽ có nhiều nhận xét, phàn nàn lúc ở nhà hơn tại nơi làm việc .

3. Trắc nghiệm tính cách đơn giản

Gọi là đơn giản như là cho vui nhưng rất nhiều bạn cũng thử trắc nghiệm tính cách của mình.

Nên sao chép bài trắc nghiệm ra giấy và tự làm, sau đó cùng thảo luận với những cá nhân thân thiết với bạn – những người có sự chia sẻ, thấu hiểu về bạn nhiều - trong từng tiêu chí. Tuy nhiên quyết định và lựa chọn của bạn vẫn là cuối cùng.

Sau khi làm xong lần thứ 1 và nhận kết quả, bạn nên lưu lại và quên nó đi. Khoảng 3 đến 4 tháng sau, khi bạn hầu như quên hẳn về bài trắc nghiệm này hãy quay lại và thực hiện lại bài trắc nghiệm để xem kết quả còn giống như lần trước hay không. Bạn nên làm bài trắc nghiệm này không dưới 3 lần – mỗi lần cách nhau ít nhất là 1,5 tháng và so sánh kết quả giữa các lần thực hiện với nhau. Nếu giống nhau, các bạn hãy tự tin sử dụng kết quả như là một cơ sở cho quá trình nhận diện bản thân và định hướng nghề nghiệp. Nếu như kết quả khác nhau hãy tự vấn lại bản thân một cách kỹ lưỡng hơn để kết quả của bài trắc nghiệm này hữu ích cho bạn.

Câu 1: Khi còn nhỏ, mọi người thường nhận xét bạn là một đứa trẻ như thế nào?

A - Rất được mọi người yêu quý.

B - Trầm tính, vẻ ngoài có nét u sầu.

C - Khá nhút nhát.

Câu 2: Khi đang đi trên đường, bỗng thấy có một cuộc tranh cãi, xô xát xảy ra, bạn thường:

A - Mặc nhiên bỏ đi mà chẳng mấy bận tâm đến vụ việc ấy.

B - Bạn tới gần đó xem tình hình thế nào, nhưng vẫn cẩn trọng để tránh vụ xô xát làm liên lụy tới bản thân.

C - Nhanh chóng vào can ngăn không cho vụ xô xát trở nên nghiêm trọng thêm và cũng nhanh chóng biến mất khi cảm thấy tình hình đã dịu đi.

Câu 3: Bạn thường cảm thấy buồn vì nguyên nhân nào nhất trong số những nguyên nhân sau đây?

A - Không thể tự chăm sóc tốt cho chính bản thân mình.

B - Trót bỏ bê những người thân yêu của bạn vì quá bận rộn.

C - Làm tổn thương tình cảm của người khác.

Câu 4: Bạn thấy rằng khuyết điểm nào sau đây của bản thân giống với khuyết điểm của những siêu anh hùng nhất?

A - Thường đắn đo, chọn lựa và suy nghĩ ích kỷ khi quyết định phải hy sinh một điều gì đó của bản thân.

B - Thường hoài nghi và thiếu niềm tin về con người và xã hội.

C - Thường có thái độ tự hào và tự mãn hơi thái quá.

Câu 5: Phương châm của siêu anh hùng nào sau đây giống với cách sống của bạn nhất?

A - Vì tình yêu.

B - Vì nhiệm vụ.

C - Vì lý tưởng.

Câu 6: Bên cạnh lòng dũng cảm, thì bạn cho rằng mỗi siêu anh hùng nhất thiết phải có được phẩm chất nào sau đây?

A - Sự sáng suốt.

B - Sự tự tin.

C - Sự khiêm nhường.

Câu 7: Sau khi hết lòng giúp đỡ một ai đó mà chỉ nhận lại một thái độ vô ơn, bạn sẽ:

A - Cảm thấy buồn nhưng vẫn tự an ủi bản thân rằng mình đã giúp đỡ được người khác, có ích cho mọi người.

B - Thất vọng một chút, nhưng vẫn sẽ giúp đỡ người đó cho dù trong hoàn cảnh khó khăn hơn.

C - Không ngạc nhiên, vì bạn cảm thấy trách nhiệm của bản thân là nên làm như vậy.

Câu 8: Sau khi hết lòng giúp đỡ một ai đó và nhận lại từ mọi người những lời khen nồng nhiệt, bạn cảm thấy:

A - Hơi khó xử một chút, chỉ là chuyện nhỏ thôi mà, mọi người không cần làm quá lên như vậy.

B - Khó chịu. Thực sự thì sự giúp đỡ của bạn đối với người đó không hoàn toàn vô tư như họ nghĩ, và bạn cũng không ngại thú nhận điều đó. Sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh không phải là thói quen của bạn.

C - Hoàn toàn đồng ý và tận hưởng sự công nhận và tán dương của người khác như thể một nguồn động lực cho bản thân.

Đáp án:

Nhiều nhất là phương án A: Thế mạnh của riêng bạn là sự hội tụ đầy đủ của sự khôn ngoan, hiểu biết và thông minh. Bạn luôn cố gắng thực hiện tới cùng những điều mà bản thân cho là đúng đắn, sau khi đã suy nghĩ kỹ càng chứ không hề hành động một cách bốc đồng, hời hợt. Tuy vậy, bạn cũng dễ mắc sai lầm bởi quá tin tưởng vào bản thân mà quên đi sự góp ý của những người xung quanh. Bạn cũng không có khiếu lãnh đạo và thiếu sức lôi cuốn, đồng thời hay bị dằn vặt bởi sự cô đơn. Hãy tận dụng trí tuệ sáng suốt, suy nghĩ nhạy bén của bản thân, để biến chúng thành nguồn năng lượng, thành động lực giúp bạn đạt được những mục tiêu của bản thân và giúp đỡ mọi người nhé.

Nhiều nhất là phương án B: Bạn cam đảm, táo bạo. Dù đôi khi cảm giác sợ hãi, lo lắng ập đến thì bạn vẫn không bao giờ chùn bước trên con đường của riêng mình. Bạn cá tính, suy nghĩ sâu sắc, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh, cho dù đó chỉ là những người xa lạ. Bạn cũng có năng khiếu lãnh đạo và truyền cảm hứng cho những người xung quanh nữa. Tuy nhiên, sự hy sinh quá nhiều cho tập thể của bạn có thể dẫn tới thói ỷ lại của những người còn lại. Trong khi bạn chỉ hành động vì lợi ích chung, thì mọi người ngày càng lười biếng và sẽ đổ lỗi cho bạn khi gặp rắc rối. Có lẽ xu hướng bốc đồng là một nguyên nhân khiến bạn phạm sai lầm chăng, hãy chú ý hơn đến điều này nhé.

Nhiều nhất là phương án C: Bạn mạnh mẽ và khôn khéo. Bạn hiểu điều gì mình nên làm, điều gì không. Cho dù sự giúp đỡ của bạn dành cho người khác có bị người ta phớt lờ hay phủ nhận, thì bạn vẫn luôn vui vẻ và thoải mái, vì bạn làm những điều đó còn vì chính lý tưởng của bản thân mình nữa. Tuy nhiên, bạn chưa thực sự sống thực với lòng mình, đôi khi bạn vẫn hành động trái với những điều bản thân mong muốn. Nguyên nhân của điều này có thể vì bạn đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của mình, nhưng đôi khi cũng vì bạn sợ làm người khác phật ý. Hãy tự tin lên và thoải mái thể hiện bản thân đi nào, mọi người chắc chắn sẽ hiểu và ủng hộ cho bạn.

Bài tổng hợp trên đây trước hết giúp các bạn lớp 12 khám phá bản thân bước đầu bằng trắc nghiệm tính cách, để từ đó có thể định hướng rõ hơn trong việc chọn nghề nghiệp tương lai cho mình. Chúc các em chọn được nghề nghiệp phù hợp với những điểm mạnh của bản thân để thuận lợi hơn trong việc đi đến thành công.

Với các bạn khác, kể cả các bạn đã trưởng thành và đang làm việc, nếu có điều kiện cũng nên khám phá thêm bản thân mình mà trước hết thử làm các bài trắc nghiệm tính cách.

Với các phụ huynh, khi hiểu được tính cách của con em mình thì cũng sẽ có những giải pháp phù hợp trong việc giáo dục ở gia đình.

Nguồn tư liệu tham khảo:

1. http://www.careervision.vn

2. https://careerbuilder.vn 

Tác giả: Tú Phùng

Nguồn tin: Internet

Chú ý: Bài viết trên trang phản ánh quan điểm của cá nhân tôi hoặc của tác giả bài viết gửi bài cho trang web này. Bài đăng không đại diện cho tổ chức chính trị hoặc bất kỳ đơn vị nào. Bạn đọc có góp ý hãy bình luận ở dưới hoặc gửi email trong phần liên hệ.
Bài đăng lại từ trang của tôi mà không trích nguồn http://tuphung.com là vi phạm bản quyền.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

Khảo sát

Bạn biết tôi từ đâu?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay8,661
  • Tháng hiện tại74,508
  • Tổng lượt truy cập8,653,591
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi