Đỗ đại học vẫn THẤT BẠI nếu bạn không biết những điều này!

Chủ nhật - 02/10/2016 01:19
Một bài viết nói lên suy nghĩ của Thành Bobber về việc chọn ngành nghề, việc làm,... và cách mà xã hội đang lựa chọn nhưng nó cho ta nhiều điều cần suy ngẫm.
Những vĩ nhân không học đại học
Những vĩ nhân không học đại học

Trong bài viết này tôi không khoe, kể lể những thành công của người khác, dù họ rất giỏi. Tôi chỉ nói lên suy nghĩ của mình mong các em đừng bị áp lực, tâm lý đè nặng khi thi đại học và mong rằng các em sẽ có hướng đi đúng đắn phù hợp cho mình.

Hôm nay là ngày bắt đầu đợt 2 của kì thi đại học 2014. Trong lúc chờ sĩ tử làm thủ tục thì tôi nghe được một câu chuyện khá hay ho ngoài quán nước cổng trường.

Đó là một cô ở Vân Đồn đưa con đi thi ngồi nói chuyện với một cô ở Quảng Yên về con của họ.

-          Cháu nhà chị thi trường nào thế?

-          Cháu nhà tôi thi trường Dân lập Hải Phòng, chằng biết có nên cơm cháo gì không.

-          Ừ con nhà tôi năm ngoái nó đỗ Đại học Mỏ Địa Chất rồi mà năm nay vẫn thi lại vì nó sợ ngành nó học không kiếm được việc.

-          Thế chắc con nhà chị giỏi lắm, đây tôi cho nó học xóa mù chữ chứ không biết mai này có xin được việc không nữa.

-          Con nhà tôi ở trường nó học giỏi lắm nhưng đi thi thì ai mà chẳng giỏi, định không cho nó thi đâu nhưng con chị nó cũng thi hai lần nếu không cho tôi sợ nó trách. Nhà tôi còn đang cấy đâu có người làm đâu.

Có lẽ đó là tâm sự chung của các phụ huynh đưa con em đi thi đại học. Phải bỏ công bỏ việc vất vả mà không biết “chúng nó” có thi được không. Thi được rồi thì không biết có kiếm được việc làm không. Rồi những câu chuyện về điểm thi tốt nghiệp Văn 5 điểm Toán 10 điểm nên bằng tốt nghiệp trung bình. Có ở ngoài mới biết mặt trận ngoài phòng thi cũng căng thẳng không kém lúc các thí sinh làm bài. Kinh điển nhất có lẽ là câu chuyện xoay quanh 2 bằng đại học đi bán trà đá, thạc sĩ thì làm công nhân. Thật cay đắng cho giới trí thức.

Nhìn lại bản thân sau 7 năm thi cử tôi nhận ra nhiều điều giá như trường học có dạy cho tôi biết sớm hơn. Nếu các em trước khi đi được biết nó có lẽ sẽ không còn những chuyện đáng tiếc như chọn nhầm trường, lo lắng về công việc hay thậm chí cả những hành động quẫn trí như tư tử.

1. Bằng cấp không phải lá bùa thần kỳ giúp xin đâu cũng được việc.

 Nguồn gốc của thất nghiệp ta cần biết rằng cung cầu thị trường lao động như thế nào. Làm phép tính đơn giản tháng 5, tháng 6/2014 có 11586 doanh nghiệp thành lập, mỗi doanh nghiệp cần 10-20 nhân viên suy ra cần 100.000 – 200.000 người. Biến động thay đổi từ doanh nghiệp cũ sẽ không nhiều ngoài ra có người muốn đổi công ty rồi có công ty giải thể, nhu cầu lao động nhóm này ta tạm thời giả định tự bù trừ cho nhau. Theo tổng cục thống kê thì tính sơ lược tổng số sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp ra trường trong năm nay là 405 nghìn người. Sơ bộ sẽ có khoảng 200.000 nghìn người kém may mắn phải chờ đợi việc làm.

 Nguồn:  Số liệu tốt nghiệp và Số doanh nghiệp mới mở 2 tháng 5 và 6.

Việc dễ dàng cho mở các trường đại học mới chính là yếu tố dẫn tới cung thị trường lao động vượt mức so với nhu cầu bên cạnh áp lực gia tăng dân số và những yếu tố khác.

Như vậy để tỷ lệ chọi kiếm việc làm dễ hơn thì ta chỉ cần chọn ngành nghề nhu cầu lao động lớn trong khi cung từ các trường đại học không đủ hoặc chất lượng chưa đáp ứng được, doanh nghiệp và các tổ chức thường xuyên tuyển.

 Ví dụ tôi phân vân giữa ngành “nông lâm thủy sản” và “giáo dục đào tạo”. Giả dụ theo dõi 4 năm và tính bình quân thì ở chỗ thành phố tôi có 5 trường học nghề, tuyển dụng hàng năm khoảng 200 người. Trong khi đó số doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, trang trại thì nhiều vô kể. Cả tỉnh chỉ có 3 trường đạo tào về nông, lâm nghiệp nên tổng số sinh viên tốt nghiệp hàng năm khoảng 300 người (tính tổng các chuyên ngành tương tự liên quan), có hộ khẩu ở thành phố tôi khoảng 20 người. Số trường đạo tạo sư phạm thì lại nhiều tới mức mỗi quận huyện có 1 trường, số người tốt nghiệp nhẩm tính vài nghìn người, có hộ khẩu ở thành phố tôi ở (suy từ nhóm bạn học cùng lớp cùng trường) khoảng 500 người. Vậy giáo dục đào tạo tỷ lệ là 1 chọi 3 còn nông lâm nghiệp thì hiện tại vẫn phải thuê người từ huyện, tỉnh khác. Nghe bác tôi nói là mới mở 2 xưởng chế biến tại thành phố. Vào trang web của tỉnh đọc thêm tin đầu tư vào chăn nuôi trồng trọt tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy tỉnh nhà đang ưu tiên phát triển kinh tế tự lực trong vài năm tới. Tôi sẽ chọn trường đào tạo “nông lâm thủy sản” thay vì “giáo dục đào tạo” nếu tôi muốn dễ xin việc lại được ngay gần nhà.

  Chúng ta hay so sánh trường nọ với trường kia, xếp hạng bằng với nhau. Thực chất bằng cấp càng cao thì càng kén việc, doanh nghiệp vừa và nhỏ họ tuyển thì sợ không gắn bó với công ty. Doanh nghiệp lớn họ tuyển thì lại bị canh tranh từ nước ngoài, người có kinh nghiệm trong ngành chuyển ngang việc. Sinh viên ra trường hầu hết đều phải đi học thêm tiếng anh, kỹ năng giao tiếp, một số công ty thì đào tạo lại theo chương trình riêng của họ.

Vì những gì chúng ta học ở trường CHƯA ĐỦ so với xã hội cần nên bằng giỏi, khá, bằng trường gì nhiều khi cũng không giúp chúng ta ngay được . Điều đó sẽ được nhắc ở vấn đề số 5.

Đọc thêm bài: Ảo tưởng bằng cấp

2. Điểm số cao không có nghĩa là thành công hơn.

Một số thí sinh năm nay được bằng trung bình vì chỉ được 5 điểm văn dù 10 điểm toán. Rất nhiều người tiếc cho em ấy. Lật ngược lại vấn đề bằng trung bình thì sao chứ? Bằng tốt nghiệp ngoài công dụng giấy chứng nhận thi đại học thì trừ phi xét tuyển trong nhà nước so sánh từng quá trình một thì hầu hết nếu có bằng cấp cao hơn không mấy khi người ta hỏi lại vì sao bằng trung bình, vì sao văn điểm 5. Chúng ta đang bị bệnh thành tích quá nặng để rồi có những vụ chép lấy chép để sao cho điểm 10. Tỷ lệ tốt nghiệp lên tới 99% thì tổ chức đánh đổi sự tốn kém lấy điều gì?

Những vĩ nhân không học đại học
Những con người này dám chắc họ chưa từng bị điểm kém?

Tôi không muốn lấy dẫn chứng những vĩ nhân bỏ học hay bị điểm kém. Vì kiến thức của họ vượt xa thời đại nên không mỹ từ nào tả nổi. Tôi chỉ muốn nói đơn giản rằng ai trong đời cũng từng bị điểm kém. Điều đó không có gì đáng xấu hổ cả. Nếu chẳng may nó rơi vào kì thi đại học do nhiều lý do, kể cả cho dù bản thân bạn lười học hay chẳng may làm sai một vài câu. Điều đó không đáng bận tâm bằng 40 năm tiếp theo bạn làm được gì hơn cả những điểm số.

Đừng bị cuốn theo những câu chuyện bên lề mùa thi. Đừng bị áp lực tâm lý bởi kì vọng của người lớn.

Tham khảo: Xếp hạng học tập ở Nhật

3. Hạnh phúc là một quá trình, không phải đích đến.

Trường học cho bạn những điểm số nhưng không cho bạn biết cách sửa chữa những vật dụng trong nhà. Đại học và những tín chỉ không giúp bạn biết cách phải cư xử như thế nào với mọi người trong gia đình bạn bè xung quanh.  Sự trung thực, tín nhiệm dần đang bị sự canh tranh, bệnh thành tích trong giáo dục làm cho ai cũng chậc lưỡi ừ quay cóp chép bài không sao, nốt lần gian lận này thôi ấy mà. Khi đối mặt với những việc hệ trọng trong đời, khi phải gánh vác trách nhiệm phát triển cho doanh nghiệp sự bất tín, thiếu trung thực là cản trở lớn cho thành công của bạn.

Có rất nhiều người không đi học đại học họ thành công không phải do may mắn. Thay vào đó họ có những tố chất vượt xa người thường, họ hiểu rõ quá trình con đường mình đi thế nào. Họ học được những điều tuyệt vời ở ngoài xã hội, ở những buổi hội thảo giao lưu tầm cỡ, từ kinh nghiệm của người khác và từ thất bại của chính bản thân họ. Trải nghiệm thời gian đi học, đi làm sau đó chúng ta rút ra được điều gì, giúp ích được cho ai mới là hạnh phúc đích thực tiếc rằng trường học không dạy.

Tham khảo: Quốc gia coi hạnh phúc của dân là quan trọng nhất

4. Thất bại và thành công là điều ai rồi cũng sẽ trải qua.

Đỗ đại học không phải là thành công lớn, nhiều người nghĩ rằng ta đã vượt vũ môn mà chểnh mảng. Nên nhớ rằng có vài nghìn người khác cùng học như bạn, họ cũng vượt qua như bạn. Chúng ta không có quyền ngủ say trên chiến thắng. Nhiều người chủ quan đã phải giã từ trường đại học sau năm đầu tiên. Có nhiều người vượt qua được học trường khác hoặc đi làm việc khác nhưng cũng có người thì không. Chán nản tuyệt vọng và có nhiều hành động thiếu suy nghĩ khác. Vì quá quen với thành công nên khi thất bại trường học không dạy cho ta biết phải làm thế nào. Chỉ những người từng trải mới biết rằng thất bại cũng là một bài học, ta chỉ cần dũng cảm đối mặt với nó và làm lại tốt hơn là được. Trong kì thi này sẽ có người đậu kẻ trượt. Nếu có trượt chúng ta chỉ cần thi lại lần nữa hay thi trường khác phù hợp hơn. Hoặc không thì đi học cao đẳng, trung cấp, học những khóa học liên kết với nước ngoài… Rất nhiều lựa chọn và đại học không phải con đường duy nhất. 20 năm nữa bạn là ai, giúp được gì cho xã hội mới là điều quan trọng. Ít nhất bạn có trách nhiệm với bản thân tới đâu, có ăn bám xã hội không, gia đình họ hàng anh em bạn có giúp đỡ được khi họ gặp khó khăn gì đó không, địa phương nơi bạn ở bạn đã đóng góp được điều gì chưa? Những điều đó thiết thực hơn so với việc uể oải nhất thời vì không đỗ đại học.

5. Hành trang vào đời bao nhiêu là đủ?

Đây là câu trả lời cho câu hỏi những gì chúng ta cần tích lũy và doanh nghiệp cần người có những gì. Để thành công trong bất kì lĩnh vực nào cần có 3 yếu tố: chuyên môn tốt, quan hệ tốt, ngoại ngữ tốt. Chuyên môn sẽ giúp bạn làm được việc, mối quan hệ sẽ giúp bạn được tin tưởng khi giao việc. Và ngoại ngữ sẽ giúp bạn tiếp nhận giao lưu với dòng chảy quốc tế, cập nhật các xu thế thời đại. Để nắm vững chuyên môn thì ngoài việc học trong trường đại học thì hãy đầu tư có thể càng nhiều càng tốt cho học vấn hàng năm. Hãy đi hội thảo của các chuyên gia trong ngành. Với sinh viên thì có thể xin học dự thính các thầy cô được đánh giá cao trong trường. Đọc sách, xem video từ internet cũng là một cách mất ít chi phí. Thậm chí nếu có điều kiện có thể đi học thêm các khóa nâng cao chuyên môn của nước ngoài. Để xây dựng quan hệ tốt thì cần phải có kỹ năng giao tiếp, ứng xử, sức cuốn hút về tầm hiểu biết và trên hết bạn phải là một người giữ tín, đáng tin cậy.

Cuối cùng một ngành nghề xứng đáng để ta gắn bó trong cuộc đời nó phải đảm bảo 3 yếu tố: bạn có đam mê với nó, bạn có thế mạnh về nó và xã hội cần nó. Và nếu đã đam mê, có thể nói suốt đời bạn sẽ phải học tập liên tục cùng với nó nên đừng nghĩ rằng đại học là đủ.

Kết lại, đại học chỉ là cánh cổng đầu tiên, bước đi đầu tiên cho cả một quá trình về sau. Đừng vội mừng nếu như bạn đỗ và cũng đừng tuyệt vọng nếu chẳng may trượt. Chúc các bạn thành công trong 5-10 năm tới và khi ấy hãy liên hệ tôi nhé, một chầu cà phê đang chờ bạn và tôi rất muốn lắng nghe trải nghiệm của bạn.

Tác giả: tuphung.com

Nguồn tin: Thành Bobber

Chú ý: Bài viết trên trang phản ánh quan điểm của cá nhân tôi hoặc của tác giả bài viết gửi bài cho trang web này. Bài đăng không đại diện cho tổ chức chính trị hoặc bất kỳ đơn vị nào. Bạn đọc có góp ý hãy bình luận ở dưới hoặc gửi email trong phần liên hệ.
Bài đăng lại từ trang của tôi mà không trích nguồn http://tuphung.com là vi phạm bản quyền.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Khảo sát

Bạn biết tôi từ đâu?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập52
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay8,661
  • Tháng hiện tại75,126
  • Tổng lượt truy cập8,654,209
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi